(HQ Online) – Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu điều nhân trong năm 2023 được ngành điều hạ xuống mức 3,05 tỷ USD, giảm 50 triệu USD so với kế hoạch đã đề ra trước đó và thấp hơn 750 triệu USD so với kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề ra cho ngành điều từ đầu năm.
Chiều 26/7, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngành điều 6 tháng đầu năm 2023.
Theo báo cáo của VINACAS, 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành đã xuất khẩu được trên 279 ngàn tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,6 tỷ USD, tăng 9,49% về lượng và tăng 7,65% về trị giá. Tuy nhiên, giá xuất khẩu nhân điều bình quân chỉ đạt khoảng 5.717 USD/ tấn, giảm 1,73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực VINACAS nhận định, ngành điều nói riêng và ngành hạt nói chung đã trải qua 6 tháng đầu năm 2023 với nhiều khó khăn, phần lớn đến từ yếu tố khách quan như: khủng hoảng địa chính trị, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương, lạm phát toàn cầu, sức mua tại các thị trường trọng điểm thấp, người tiêu dùng toàn cầu tiết kiệm chi tiêu… Do đó, các nhà chế biến điều gặp khó khăn trong công tác bán hàng trong 6 tháng đầu năm 2023. Xu hướng mua hàng giao ngay với số lượng nhỏ là chủ đạo trên thị trường 6 tháng đầu năm 2023, điều này dẫn đến việc giá cũng khó giảm sâu, nhưng cũng khó có thể gia tăng đột biến nhưng những giai đoạn trước đây.
Tuy nhiên, ở mặt tích cực, do giá điều đang khá cạnh tranh với các loại hạt khác và sản lượng dồi dào, các nhà bán lẻ trên phạm vi toàn cầu đang đẩy mạnh nhiều chương trình quảng bá, khuyến mãi để kích cầu mua sắm.
Theo VINACAS, có một số nhu cầu mua giao xa đến quý 1/2024 với tư duy hiện đã là “đáy thị trường” và “bắt đáy”, tuy nhiên các nhà chế biến điều cũng không mặn mà vì hiện chưa phải giai đoạn cao điểm của bán hàng trong năm.
Trước tình hình đó, VINACAS dự báo 2 kịch bản có thể xảy ra trong 6 tháng cuối năm.
Theo kịch bản tốt, việc kích cầu, đẩy nhanh tiêu thụ sẽ giúp giảm lượng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ lớn gồm Mỹ, châu Âu. Qua đó đẩy nhu cầu mua hàng vào cuối năm. Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm soát chất lượng của các thị trường trọng điểm sẽ làm cho nhân điều giá thấp, chất lượng kém sẽ khó tiếp cận các thị trường này. Từ đó, góp phần ổn định giá và chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Ở kịch bản không tốt, VINACAS đặt giả thiết về việc kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái, hạt điều không phải là mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu của “người tiêu dùng cuối cùng” sẽ tiếp tục giảm. Người mua ở các thị trường vẫn chưa vội mua điều nhân cho đến khi họ thấy sự gia tăng trở lại và đảm bảo lợi nhuận phù hợp.
Đánh giá các yếu tố của thị trường, Ban chấp hành VINACAS đã đề nghị điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu nhân điều năm 2023 xuống còn 3,05 tỷ USD, giảm 50 triệu USD so với kế hoạch đã đề ra trước đó và thấp hơn 750 triệu USD so với kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề ra cho ngành điều từ đầu năm.
Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của ngành điều, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS kiến nghị Nhà nước tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu hạt điều Việt Nam.
Bên cạnh đó, để tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm bao gồm các thị trường EVFTA và CCTPP, việc tăng cường quảng bá sản phẩm điều Việt Nam để người tiêu dùng biết đến và sử dụng sản phẩm là điều rất quan trọng. Quảng bá có thể được thực hiện thông qua các kênh truyền thông, các hội chợ triển lãm và các chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.
Do vậy, ông Công đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm, ngành hàng; giúp quảng bá sản phẩm của ngành điều tại các hội chợ quốc tế. Bên cạnh đó là các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (đoàn ra và đoàn vào) bao gồm: Chương trình Khảo sát và xúc tiến thương mại thị trường Nhật Bản cuối năm 2023; Hội nghị điều quốc tế quý 1/2024 tại Quảng Bình; Chương trình khảo sát và xúc tiến thương mại thị trường Trung Quốc năm 2024; các hoạt động tư vấn, đào tạo nâng cao trình độ, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp và Hiệp hội…
Nguồn: Báo Hải quan online
Để được tư vấn hoặc báo giá về dịch vụ, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
Phòng Dịch Vụ Khách Hàng
LE NGUYEN TRANSPORT LOGISTICS CO., LTD.
274/12, Quốc lộ 1K, Phường Linh Xuân, Thành Phố Thủ Đức, Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt Nam..
Tel: 0866757460
Fax: 08 37246687
Handphone: 096 129 68 89 / 0906745268
Email: thuytrinh@lenguyentst.com.vn
Gmail: thuytrinh10b@gmail.com
Skype: thuytrinh10b
Website: www.lenguyentst.com.vn